1. Gây quỹ mua mật ong cho gấu
Hàng năm, trường Quốc tế Anh tại Hà Nội đều tổ chức ngày hội chợ tại trường. Nhóm các bạn học sinh bảo vệ gấu của trường và các bạn Tình nguyện viên của Trung tâm tất nhiên không thể bỏ qua cơ hội này. Các bạn ấy đã làm bánh, làm nước chanh, trưng bày và bán các sản phẩm lưu niệm cho các vị phụ huynh đáng kính và thầy cô giáo để có một nguồn quỹ mua thêm mật ong cho các bạn gấu.
2. Truyền tải thông điệp “bảo vệ gấu” theo cách khác nhau
Trường Greenwich, với cách sáng tạo riêng của minh, các bạn đã mở một cuộc triển lãm “bảo vệ gấu” ngay tại sảnh đường của trường. Những bức tranh do chính các bạn tự vẽ, những bức ảnh và câu chuyện về gấu sưu tập từ Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Tam Đảo được trưng bày một cách công phu là cách các bạn kể chuyện về những bạn gấu đã phải chịu đựng ngành nuôi gấu lấy mật như thế nào. Thông điệp qua cuộc triển lãm, các bạn mong muốn mọi người chung tay giải cứu các bạn gấu và hiểu hơn về loài vật đáng yêu này khi dành thời gian ngắm nhìn các bạn ấy tại Trung tâm.
3. Chăm sóc vườn thảo dược theo cách của bạn:
Chắc các bạn đều biết rồi, mật gấu không nên và không được phép buôn bán, sử dụng, kể cả dùng làm thuốc. Vậy việc phổ biến cây thuốc thay thế cho mật gấu tới những người đang có nhu cầu chữa bệnh sẽ là một hành động nhân văn lắm chứ! Hãy điểm qua một vài hành động đẹp của các bạn học sinh để xem các bạn ấy phổ biến thông điệp này ra sao nào!
Tại thành phố lớn như Hà Nội, nơi để có được một góc vườn trồng cây chẳng dễ tí nào vì còn bao nhiêu công trình cần đến đất nữa. Thế mà, một khu đất nhỏ xinh trong góc trường vẫn được ưu ái và được các bạn học sinh trường Quốc tế Anh Hà Nội tự tay trồng, chăm sóc hàng ngày nữa đấy.
Những cái cây đầu tiên được mang đến trường và được các bạn hào hứng đem ra khu vườn
Và góc vườn nhỏ xinh của các bạn ấy đây.
Còn gì mình có thế làm để phổ biến các loại cây thảo dược này không các bạn? Trong lúc chờ các bạn nghĩ thêm câu trả lời, mình cùng tới thăm trường liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội để tham khảo thêm nhé!
Các bạn học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm thật may mắn vì trường có khu trải nghiệm gần chục hecta cách không xa Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Thế nên, khu vườn thảo dược thay thế mật gấu của các bạn ấy cũng rộng tới vài trăm mét vuông và các bạn học sinh mỗi khi từ Hà Nội tới thăm khu trải nghiệm của trường thì luôn nôn nóng được nhìn thấy khu vườn của mình xa.
Và cuối cùng, các bạn ấy đã có một tấm biển tên vườn thảo dược thay thế mật gấu to đùng, nội dung của tấm biển chính là do các bạn ấy tự vẽ và thiết kế. Với tấm biển to đùng ấy, người dân xung quanh, các vị phụ huynh chẳng thể nào không biết đến những cây thuốc trong vườn và ý nghĩa thay thế mật gấu của các cây thuốc. Còn điều quan trọng nữa với các bạn học sinh ấy, các bạn mỗi khi sắp tới khu trải nghiệm hay sau khi rời đi, qua đoạn cầu vượt, đều nhìn thấy khu vườn và nhắc lại chính mình thông điệp “ trồng cây thuốc để bảo vệ gấu”.
Tấm biển vườn thảo dược do chính các em thiết kế được in to đùng đủ cho mọi người thấy từ rất xa.
Để khu vườn thêm sinh động, các em đã dành sự sáng tạo của mình, pha trộn các màu sơn khác nhau để tô vẽ cho các bàn chân gấu bằng bê tông đặt trong vườn.
Ngoài những hoạt động và sự sáng tạo kể trên để bảo vệ gấu, khi đọc đến đây, các bạn có nảy ra ý tưởng nào khác có thể thực hiện góp phần đồng hành cùng Tổ chức và mạng lưới BNW trong hành trình bảo vệ gấu còn rất dài phía trước không? BNW đang rất mong chờ được nghe chia sẻ của các bạn.
Bình luận